Hỏi đáp

Dành cho người bệnh

BỆNH VIỆN BỆNH NHIỆT ĐỚI

THÂN THIỆN - AN TOÀN - HIỆU QUẢ

Bệnh Marburg

Bệnh Marburg

 

TS.BS. Nguyễn Phú Hương Lan

Nguồn gốc

Bệnh Margburg hay còn gọi là Sốt xuất huyết Marburg do virus Marburg gây ra. Đây là virus thuộc nhóm Filovirus, cùng nhóm với virus Ebola. Virus Marburg được phát hiện năm 1967, lây lan sang người do việc tiếp xúc với các mẫu xét nghiệm chứa virus từ khỉ Châu Phi ở các phòng xét nghiệm ở Đức và Serbia. Ở tự nhiên, virus Marburg sống kí sinh chính ở loài dơi ăn trái ở Châu Phi, có thể truyền bệnh sang động vật linh trưởng và người.

Virus Marburg

https:// healthjade.net/marburg-virus/

Đường lây truyền

Nhiễm bệnh từ tự nhiên: người lây bệnh do tiếp xúc trực tiếp loài dơi ăn trái hay loài linh trưởng bị nhiễm bệnh

Người lây sang người:

– do tiếp xúc trực tiếp: từ vùng da bị loét, niêm mạc của người bệnh, trực tiếp từ máu và các dịch tiết khác ( nước tiểu, nước bọt, phân, chất nôn ói, sữa, nước ối, tinh dịch …)

– do tiếp xúc gián tiếp với chất tiết: tiếp xúc bề mặt nhiễm bẩn, vật liệu nhiễm bẩn ( khăn giường, thiết bị y tế…)

Vùng dịch bệnh

Hiện nay các ca bệnh chủ yếu được phát hiện ở Châu Phi hay có yếu tố dịch tễ đi từ vùng này. Ngoài ra lây nhiễm bệnh từ phòng xét nghiệm cũng được ghi nhận.

Hình: Phân bố các ca bệnh Sốt xuất huyết Marburg ở Châu Phi (Nguồn: European Centre for Disease Prevention and Control)

 Dấu hiệu lâm sàng

Thời gian ủ bệnh 5-10 ngày. Sau đó triệu chứng đột ngột nhưng không điển hình : sốt lạnh run, đau cơ, nhức đầu. Sau sốt 5 ngày thì bắt đầu xuất hiện các sang thương da dạng bóng nước ở ngực, bụng, lưng kèm theo các triệu chứng buồn nôn, nôn ói, đau ngực, đau họng, đau bụng, tiêu chảy.

Sang thương da trên cánh tay

https:// healthjade.net/marburg-virus/

Bệnh có thể diễn tiến nặng dần: vàng da, suy đa cơ quan, xuất huyết nặng… và có thể đi đến từ vong. Tỷ lệ bệnh tử vong khoảng 23-90%, trung bình là 50%.

Chẩn đoán

Chẩn đoán dựa vào các triệu chứng lâm sàng thường gặp khó khăn vì không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như thương hàn, sốt rét, sốt xuất huyết, và số ca bệnh rải rác.

Cần khai thác bệnh sử kĩ về các yếu tố du lịch đến vùng dịch và nguy cơ tiếp xúc.

Cận lâm sàng: PCR, ELISA, phát hiện kháng thể trung hoà hoá mô miễn dịch, nuôi cấy virus (tất cả xét nghiệm phải được thực hành ở an toàn sinh học cấp 3-4)

Điều trị

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh này. Các thuốc còn đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Phòng ngừa nhiễm bệnh

-Vaccin: Vaccin cho bệnh này đang được nghiên cứu và thử nghiệm ở một số nước Châu Phi. Vì thế các chuyên gia khuyên chúng ta nên tự chủ động phòng ngừa nhiễm bệnh bằng các biện pháp sau:

-Phòng ngừa lây bệnh từ dơi ăn trái: khách  du lịch đi đến các vùng có dơi ăn trái cần mang bao tay và đồ phòng hộ để tránh tiếp xúc. Nếu đi đến vùng dịch đang lưu hành bệnh Marburg cần lưu ý chỉ ăn thịt nấu chín,  không ăn thịt sống hay tái để tránh nhiễm bệnh.

-Giảm lây nhiễm từ người bệnh ra cộng đồng: hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp hay tiếp xúc gần với người bệnh/ chất tiết từ người bệnh vì có thể bị nhiễm bệnh. Nếu phải chăm sóc người bệnh thì phải đeo bao tay và đồ phòng hộ phù hợp. Cần rửa tay thường xuyên sau khi thăm khám, chăm sóc người bệnh.

-Giảm nguy cơ lây truyền qua  đường tình dục: người nhiễm bệnh Marburg có thể lây truyền virus qua đường tình dục trong vòng 12 tháng sau khi mắc bệnh. Do đó nên cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây lan qua đường tình dục trong khoảng thời gian này.

– Phòng ngừa nhiễm bệnh tại cơ sở y tế: nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nghi ngờ/khẳng định bị bệnh Marburg cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa chuẩn, phòng ngừa lây qua đường tiếp xúc, phòng ngừa lây qua đường hô hấp. Nhân viên y tế tiếp xúc với người bệnh trong vòng 1 mét cần đeo khẩu trang, kính bảo hộ hay mặt nạ. Cơ sở y tế cần thực hiện các biện pháp an toàn tiêm, an toàn xử lí chất thải và mai táng. Nhân viên phòng xét nghiệm thao tác mẫu bệnh phẩm cần áp dụng các biện pháp an toàn sinh học theo mức độ nguy cơ phù hợp.

Tài liệu tham khảo

  1. European Centre for Disease Prevention and Control hweeesdfdA-E-a-M-p. Ebola and Marburg virus diseases – Annual Epidemiological Report for 2019. 2021. Available at: https://www.ecdc.europa.eu/sites/default/files/documents/AER-Ebola-and-Marburg-2019.pdf
  2. Centers for Disease Control and Prevention. Biosafety in Microbiological and Biomedical Laboratories (BMBL) 6th Edition. Available at: https://www.cdc.gov/labs/BMBL.html
  3. Brauburger K, Hume AJ, Muhlberger E, Olejnik J. Forty-five years of Marburg virus research. Viruses. 2012 Oct 1;4(10):1878-927. Available at: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/23202446
  4. Asad A, Aamir A, Qureshi NE, Bhimani S, Jatoi NN, Batra S, et al. Past and current advances in Marburg virus disease: a review. Infez Med. 2020 Sep 1;28(3):332-45. Available at: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/32920568
  5. Mehedi M, Groseth A, Feldmann H, Ebihara H. Clinical aspects of Marburg hemorrhagic fever. Future Virol. 2011 Sep;6(9):1091-106. Available at: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/22046196
  6. World Health Organisation Regional Office for Africa. Ghana declares first-ever outbreak of Marburg virus disease, 17 July 2022. Brazaville: WHO AFRO; 2022. Available at: https://www.afro.who.int/countries/ghana/news/ghana-declares-first-ever-outbreak-marburg-virus-disease-0
  7. Nikiforov VV, Turovskii Iu I, Kalinin PP, Akinfeeva LA, Katkova LR, Barmin VS, et al. [A case of a laboratory infection with Marburg fever]. Zh Mikrobiol Epidemiol Immunobiol. 1994 May-Jun(3):104-6. Available at: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/7941853
  8. World Health Organization. Marburg virus disease. 2021. Available at: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/marburg-virus-disease
  9. Emperador DM, Mazzola LT, Wonderly Trainor B, Chua A, Kelly-Cirino C. Diagnostics for filovirus detection: impact of recent outbreaks on the diagnostic landscape. BMJ Glob Health. 2019;4(Suppl 2):e001112. Available at: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/30899573