Hỏi đáp

Dành cho người bệnh

BỆNH VIỆN BỆNH NHIỆT ĐỚI

THÂN THIỆN - AN TOÀN - HIỆU QUẢ

MỪNG ĐẢNG – MỪNG XUÂN – MỪNG BỆNH VIỆN 163 NĂM THÀNH LẬP (13/02/1861 – 13/02/2024)

Hòa trong không khí toàn Đảng, toàn dân cả nước đang rộn ràng chào mừng Kỷ niệm 94 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đón xuân Giáp Thìn 2024, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cũng hân hoan chào mừng Kỷ niệm 163 năm ngày thành lập bệnh viện (13/02/1861 – 13/02/2024).

Hơn 160 năm là hành trình đầy tự hào của một “pháo đài” chống dịch, một bệnh viện của người nghèo với tên gọi ban đầu Nhà thương Chợ Quán. Ra đời trong bối cảnh đau thương của Sài Gòn dưới gót giày xâm lược, phục vụ cho bộ máy chiến tranh (1861-1863). Ngày 13/02/1861, bệnh viện bắt đầu mở cửa nhận những bệnh nhân bị sốt, ghẻ, hoa liễu và thương binh của liên quân Pháp – Tây Ban Nha chuyển tới từ trận đánh đại đồn Kỳ Hòa (24-25/02/1861), sau đó là thương bình từ các trận đánh tại Sài Gòn – Gia Định và Nam Bộ. Từ năm 1864-1975, bệnh viện chuyển sang phục vụ cho người dân, tiếp nhận điều trị các bệnh nhân hoa liễu, người tù bị bệnh và những bệnh nhân là người già, người nghèo, người  mắc bệnh nan y, các bệnh truyển nhiễm – nhiễm trùng; là tuyến đầu chống dịch bệnh nguy hiểm.

Năm 1972, Nhà thương Chợ Quán được xây lớn với khu nhà chính 6 tầng qua sự trợ giúp của Hàn Quốc; khánh thành vào tháng 3 năm 1974 đổi tên mới là Trung tâm y tế Hàn – Việt có 550 giường, chuyên điều trị các bệnh truyền nhiễm, tâm thần, phong, nội, ngoại, nhi.

Sau ngày thống nhất đất nước, bệnh viện  được Ban Y tế Xã hội miền Nam thuộc Ủy ban quân quản tiếp nhận và quản lý, lấy lại tên bệnh viện Chợ Quán. Ngày 4/8/1979, theo quyết định số 903 của Bộ Y tế, bệnh viện được giao nhiệm vụ bệnh viện chuyên khoa về truyền nhiễm, phụ trách điều trị, phòng chống dịch, huấn luyện đào tạo chuyên khoa cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Năm 1989, bệnh viện có tên mới là Trung tâm Bệnh nhiệt đới trực thuộc Sở Y tế TP.HCM, đến năm 2002 được đổi tên cho đến nay là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.

Hơn 160 năm trải dài qua 3 thế kỷ, Nhà thương Chợ Quán, nay là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới vẫn giữ nguyên vị trí đầu ngành nhiễm trùng – truyền nhiễm cùng những đóng góp to lớn cho sự nghiệp y tế nước nhà, chăm sóc bảo vệ sức khỏe người dân TP.HCM và các tỉnh thành khu vực phía Nam.

Từ Nhà thương Chợ Quán đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới là một hành trình đầy thách thức, tự hào khởi đầu từ ngày mở cửa nhận bệnh 13/02/1861, tạo nên dấu mốc lịch sử của nền Y học nước nhà qua việc xác lập Kỷ lục Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VIETKINGS), đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận.

Với những đóng góp to lớn, liên tục, hiệu quả, lâu dài trong phòng chống các loại dịch bệnh nguy hiểm, bảo vệ sức khỏe và tính mạng nhân dân TPHCM và các tỉnh phía Nam của bệnh viện đã được hàng triệu người bệnh và thân nhân biết ơn, xã hội ghi nhận. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã vinh dự đón nhận nhiều huân chương, danh hiệu cao quý của Nhà nước trao tặng như: Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba, Danh hiệu Anh hùng lao động…

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới còn là đia chỉ đỏ cách mạng khi gắn liền với Di tích văn hóa- lịch sử cấp Quốc gia mang tên bệnh viện “Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán”. Qua các thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đây là nơi giam giữ, điều trị cho những người tù bị bệnh gồm cả thường phạm lẫn tù chính trị, các lãnh tụ cách mạng, chiến sĩ cộng sản kiên cường. Ngày 26/8/1931, đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam, sau khi bị giặc Pháp bắt, tra tấn và lâm trọng bệnh, đã được đưa đến khu nhà giam này. Đến ngày 06/9/1931, đồng chí đã hy sinh và để lại lời nhắn nhủ: “HÃY GIỮ VỮNG Ý CHÍ CHIẾN ĐẤU”.

Di tích hiện đang thực hiện tu bổ, tôn tạo để kịp khánh thành giai đoạn 01 nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú (01/05/1904)

Mừng kỷ niệm 163 năm thành lập bệnh viện vào thời điểm đất nước đón Xuân và chào mừng kỷ niệm 94 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đội ngũ viên chức-người lao động bệnh viện có niềm vui chung với quốc gia, dân tộc và niềm vui, tự hào riêng, về nơi mình làm việc, một bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam, có quá trình đóng góp lâu dài,  liên tục, hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh, dịch nguy hiểm không chỉ cho Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh mà cho cả các tỉnh khu vực phía Nam. Bệnh viện còn là nơi gần như duy nhất có trại giam bên trong sau này trở thành Di tích văn hóa-lịch sử cấp Quốc gia, gắn liền với những đau thương, hy sinh nhưng anh dũng kiên cường của các chiến sĩ cách mạng, các nhà lãnh đao cấp cao của Đảng qua các thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Những tia nắng Xuân ấm áp ánh trên không gian ngập tràn sắc xuân của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới làm phông nền tự nhiên cho những hoạt động thiết thực của Đảng bộ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Mừng Đảng – Mừng Xuân – Mừng Bệnh viện kỷ niệm 163 năm thành lập.

Hội thi Vườn hoa Xuân Giáp Thìn 2024 (ngày 01/02/2024)

   

Hội diễn Văn nghệ Mừng Xuân

Họp mặt cán bộ hưu trí

Đền ơn đáp nghĩa

 

Đoàn Thanh niên BV phối hợp Đoàn Sở thăm, chúc tết, tặng quả Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng Quận 5

Chăm lo Tết cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn