Hỏi đáp

Dành cho người bệnh

BỆNH VIỆN BỆNH NHIỆT ĐỚI

THÂN THIỆN - AN TOÀN - HIỆU QUẢ

Trả lời, tư vấn cho bệnh nhân

14/01/2018

MINH ANH

Bến Cát, Bình Dương

Xin hỏi tôi năm nay 28 tuổi, vừa rồi có đi xét nghiệm và bác sĩ cho biết tôi bị viêm gan B. Hiện tại, tôi có dự định sinh con nên tôi muốn biết khả năng truyền bệnh sang con là bao nhiêu %? Con tôi có thể bú sữa mẹ như những đứa trẻ bình thường không? Mong được tư vấn cho, cảm ơn.

 

Trả lời

TS.BS.Lê Mạnh Hùng

Khả năng lây truyền siêu vi B từ mẹ sang con có thể hơn 95% trường hợp nếu không có biện pháp phòng ngừa. Nhưng nếu được can thiệp, dự phòng đúng thì khả năng này giảm xuống tấp, còn dưới 5%. Vì thế, thai phụ bị nhiễm siêu vi viêm gan B muốn tránh lây truyền cho con thì nên đến cơ sở chuyên khoa viêm gan để được tư vấn và can thiệp hiệu quả.

Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm siêu vi B vẫn có thể được cho bú mẹ bình thường nếu bảo đảm 2 yêu cầu:

  1. Trẻ được chủng ngừa đầy đủ với kháng thể miễn dịch (HBIG) và vắc xin ngừa viêm gan B sau sinh.
  2. Núm vú mẹ không bị tổn thương, chảy máu, rịn dịch

 

22/01/2018

MINH NHẬT

Quận 3, TP.HCM

Xin hỏi bác sĩ 5 ngày nay tôi có các triệu chứng sau: chán ăn, buồn nôn, ói, đau bụng, sốt, vàng da… Mua thuốc uống không bớt, liệu có phải tôi bị bệnh gan không? Tôi có thể đến Bệnh viện bệnh Nhiệt đới để khám được không ạ ?. Xin cảm ơn

Trả lời

TS.BS.Lê Mạnh Hùng

Với những triệu chứng mà bạn mắc phải thì có nhiều khả năng bạn bị bệnh lý về gan hoặc một số bệnh nhiễm trùng nguy hiểm khác có vàng da (sốt rét, nhiễm trùng đường mật, Leptospirose,…).

Nếu ở TP.HCM bạn nên nhanh chóng đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới khám và điều trị

 

12/02/2018

MINH PHƯƠNG

Quy Nhơn, Bình Định

Xin hỏi bác sĩ cho biết dinh dưỡng dành cho bệnh nhân bị viêm gan A, B, C. Những người bị viêm gan A, B, C không được phép ăn trứng và các loại gan gia sức, gia cầm phải không bác sĩ. Cảm ơn BS

Trả lới

TS.BS Lê Mạnh Hùng

Người bị các bệnh viêm gan nói chung, viêm gan siêu vi A, B, C nói riêng không cần một chế độ dinh dưỡng đặc biệt. Người bệnh không phải kiêng cữ quá nhiều. Trong khẩu phần ăn hằng ngày nên ăn những thức ăn nhiều đạm (thịt, cá, đậu nành), nhiều đường và ít mỡ.

Người bệnh có thể ăn trứng, gan gia súc gia cầm nhưng không nên dùng nhiều và chế biến theo kiểu luộc, hấp thì tốt hơn là chiên xào. Không được uống bia rượu khi gan đang bị bệnh.

 

20/02/2018

trẦN NGỌC HẢi

Phước Long, Bình Phước

Thưa bác sĩ, tôi thường xuyên tiếp khách và sử dụng bia rượu và nghe nói sẽ ít bị bệnh gan nếu uống rượu ngoại và uống rượu nhẹ, uống ít thì ít bị bệnh hơn phải không ạ ?

Trả lời

TS.BS Lê Mạnh Hùng

Mức độ ảnh hưởng của bia rượu lên gan phụ thuộc nhiều yếu tố: độ tuổi, giới tính, tình trạng dinh dưỡng, bệnh đi kèm,… nhưng chủ yếu là mức độ thường xuyên, thời gian và số lượng bia rượu sử dụng (quy ra số đơn vị cồn sử dụng).
Một ngày sử dụng hơn 3 đơn vị cồn (1 đơn vị cồn = khoảng 1 lon bia hoặc 100 ml rượu vang hoặc 30 ml rượu mạnh) thì có thể gây tổn thương gan. Nguy cơ xơ gan xảy ra đối với nam uống > 60-80g còn/ngày,  nữ> 20 g/ngày trong 10 năm.

Tuy nhiên, nếu uống những loại bia rượu không có xuất xứ rõ ràng, rượu do tự pha chế thì có thể làm cho gan bị tổn thương nặng hơn, nhanh hơn và có thể nguy hiễm tính m,ạng bởi những độc chất có trong những thức uống này mà chúng ta không thể kiểm soát được.

 

13/03/2018

LÊ BÌNH THANH

Ngọc Hiển, Cà Mau

Thưa bác sĩ nếu bị viêm gan do rượu và viêm gan do virút thì bệnh nào nguy hiểm hơn? Xin BS cho biết, cảm ơn.

Trả lời

TS.BS Lê Mạnh Hùng

Viêm gan là tình trạng tế bào gan bị hoại tử. Viêm gan có thể do nhiều nguyên nhân trong đó do siêu vi và do bia rượu là những nguyên nhân thường gặp tại nước ta. Các bệnh viêm gan này nếu không sớm phát hiện và điều trị thì đều có thể đưa đến các biến chứng nguy hiểm là viêm gan mạn, xơ gan, ung thư gan.

 

25/03/2018

MINH HẰNG

Bình Thạnh, TP.HCM

Thưa bác sĩ, một người mẹ đang trong thời gian mang thai mà phát hiện ra mình bị nhiễm siêu vi B thì làm thế nào để khỏi bị lây cho con? Xin bác sĩ cho chế độ dinh dưỡng dành cho bà bầu đang bị viêm gan. Cảm ơn bác sĩ.

Trả lời

  1. BS Lê Mạnh Hùng

Theo Hướng dẫn quốc gia, để tránh lây siêu vi B cho con thì bé phải được chủng ngừa sau sinh với: kháng thể miễn dịch (HBIG) và vắc xin ngừa viêm gan siêu vi B. Nếu số lượng siêu vi B trong máu bà mẹ cao, bà mẹ cần uống thêm thuốc kháng siêu vi từ tuần thai thứ 28 và kéo dài đến sau sinh khoảng 1-3 tháng.

Bạn nên đến bệnh viện chuyên khoa viêm gan để được tư vấn và xừ lý cụ thể. Nên sinh con ở những cơ sở y tế có đủ các loại thuốc tiêm chủng nói trên. Bạn không cần phải có một chế độ ăn uống riêng biệt.

 

05/05/2018

MINH HẢI

Ninh Kiều, Cần Thơ

Xin hỏi bác sĩ, năm nay tôi 55 tuổi, tôi đi khám tại bệnh viện Cần Thơ, phát hiện virút dưới ngưỡng, nhưng HBsAg thì 1554.16, men gan và siêu âm bụng bình thường. Như vậy thì có nguy hiểm không, có uống thuốc và các điều trị như thế nào ạ?

Trả lời

  1. BS Lê Mạnh Hùng

Kết quả xét nghiệm của bạn chứng tỏ là bạn đã bị nhiễm siêu vi viêm gan B nhưng với virút dưới ngưỡng phát hiện, men gan và siêu âm gan bình thường thì nhiều khả năng sự tăng sinh của siêu vi B đã bị kiểm soát do chính sức đề kháng của cơ thể bạn. Giai đoạn này còn gọi là giai đoạn kiểm soát miễn dịch

Trong giai đoạn này, gan của người bị nhiễm hầu như không bị tổn thương và tình trạng này có thể kéo dài suốt đời. Chính vì vậy, người nhiễm chưa cần phải điều trị kháng siêu vi mà nên theo dõi định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa gan.

 

21/05/2018

KIM NGỌC

Phú tân, An giang

Thưa bác sĩ, em có thai 3 tháng và vừa mới phát hiện bị nhiễm siêu vi B. Em rất lo lắng khi nghe nói bệnh này dễ lây cho chồng và con? Em muốn biết mình có cần phải chữa trị ngay không và phải chữa trị như thế nào? Mong bác sĩ tư vấn sớm cho em.

Trả lời

  1. BS Lê Mạnh Hùng

Siêu vi B khi vào người sẽ đến trú tại lá gan và sau một thời gian mới làm tổn thương tế bào gan gây ra bệnh Viêm gan siêu vi B. Thời gian đó ngắn hay dài tùy vào sự đáp ứng miễn dịch bảo vệ của cơ thể người đối với siêu vi. Vấn đề điều trị chỉ đặt ra khi xác định siêu vi B đã làm cho gan bị viêm, việc này phải được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa. Sau khi thăm khám và có kết quả các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán và quyết định liệu pháp điều trị phù hợp với từng người bệnh.

Siêu vi B có thể lây truyền qua quan hệ tình dục và qua đường  mẹ – con. Vì vậy, chồng và đứa con tương lai có khả năng bị lây nhiễm siêu vi B từ bạn. Trong trường hợp bị mẹ lây khi sinh, 90% trẻ sẽ mang siêu vi mạn và có nguy cơ phát bệnh khi trưởng thành. Vì vậy, đặt ra yêu cầu phải dự phòng lây nhiễm siêu vi B cho chồng và con bạn là cần thiết. Để việc dự phòng đạt hiệu quả và phối hợp xem xét trường hợp của bạn có cần điều trị ngay không, vợ chồng bạn nên đến bệnh viện có chuyên khoa Gan để được thăm khám, xét nghiệm, tư vấn cụ thể.

 

04/06/2018

THANH BÌNH

Quận 4,  TP.HCM

Vừa qua em đi khám sức khỏe, sau khi siêu âm, bác sĩ kết luận em bị gan nhiễm mỡ. Xin bác sĩ cho biết tại sao gan bị nhiễm mỡ ? Bệnh này có nguy hiểm không và hướng điều trị như thế nào ?

Trả lời

  1. BS Lê Mạnh Hùng

Gan nhiễm mỡ hoặc thoái hóa mỡ gan là tình trạng gan bị tích tụ nhiều chất béo chiếm hơn 5% trọng lượng gan. Nguyên nhân gây ra gan nhiễm mỡ được chia làm 2 nhóm: do rượu và không do rượu. Nhóm không do rượu gồm: các bệnh chuyển hóa (tiểu đường, tăng mỡ máu), rối loạn dinh dưỡng (béo phì, suy dinh dưỡng), thuốc điều trị. Các nguyên nhân này làm rối loạn chức năng gan gây giảm oxy hóa axit béo trong gan dẫn đến tình trạng tích tụ chất béo. Diễn tiến của bệnh gan nhiễm mỡ thường qua 3 giai đoạn: gan nhiễm mỡ đơn thuần, viêm gan do thoái hóa mỡ, xơ gan. Gan nhiễm mỡ đơn thuần thường không triệu chứng, diễn tiến lành tính. Nếu bệnh đã qua giai đoạn viêm gan do thoái hóa mỡ thì phải tìm nguyên nhân để xác định liệu pháp điều trị thích hợp, nếu không sẽ diễn tiến đến xơ gan.
Hiện nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho gan nhiễm mỡ. Việc điều trị bệnh này tùy thuộc vào sự kiểm soát nguyên nhân gây bệnh (cai rượu; ngưng dùng các thuốc có khả năng gây gan nhiễm mỡ; giảm cân với chế độ ăn kiêng ít chất béo ở bệnh nhân béo phì, điều trị bệnh chuyển hóa…). Chỉ qua siêu âm bụng thì không đủ thông tin về tình trạng và hướng điều trị. Bạn nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, tư vấn, xét nghiệm và điều trị theo tình trạng bệnh (nếu có) của mình

 

05/06/2018

Trần Kim Hiếu

Tôi tên Hiếu, ở Trà Vinh

Xin hỏi! Con tôi 5,5 tuổi bị ghẽ ngứa, đi xét nghiệm ở BV ĐK Minh Tâm, tỉnh Trà Vinh thì cho Kết quả là nhiễm Sán Chó với chỉ số 0.5. BS BV Minh Tâm cho con tôi uống 1 viên  Ivermectin 6mg và dặn 6 tháng xét nghiệm lại.

Nhưng khoảng 2 tháng sau thấy tình trạng vẫn không thuyên giảm, bé vẫn ngứa và nổi những mục kén kèm theo ngứa trên cơ thể (chân, lưng, trên mông, …)

Vậy xin hỏi Quý bệnh viện, trường hợp con tôi điều trị như vậy đẫ đúng chưa, cần đến bệnh viện để khám điều trị lại không?

Xin cảm ơn!

Trả lời:

BS Đinh Nguyễn Huy Mẫn

Bạn Trần Kim Hiếu thân mến

Các biểu hiện của bé theo mô tả của mẹ gần giống với bệnh cái ghẻ hơn so với bệnh nhiễm ký sinh trùng khác.

Không biết kết quả “nhiễm Sán chó” của BV Minh Tâm thực sự là tác nhân nào? Có phải đang muốn nói đến nhiễm ấu trùng giun đũa chó (Toxocara) hay không? Nếu nhiễm ấu trùng giun đũa chó thì có thể điều trị Ivermectin liều duy nhất là đủ. Việc lặp lại điều trị hay không tùy thuộc vào chỉ số bạch cầu ái toan trong máu, không tùy thuộc vào “chỉ số 0.5” gì đó ghi trong email. Sau điều trị đặc hiệu, nếu các triệu chứng không thay đổi, nên xem xét thêm vấn đề ngứa do nguyên nhân khác.
Tóm lại những chi tiết ghi trong email chưa rõ ràng nên chúng tôi không thể tư vấn cụ thể được. Bạn nên đưa cháu đến Phòng khám Ký sinh trùng – BV Bệnh Nhiệt đới 764 Võ Văn Kiệt, Phường 1, Quận 5, Tp.HCM để khám, tư vấn và điều trị cho cháu. Các xét nghiệm và hồ sơ điều trị trước đó bạn nên mang theo để chúng tôi tham khảo, có thể xét nghiệm kiểm tra và điều trị lại nếu cần thiết.
Trân trọng

02/10/2018

TRẦN TUẤN KHẢI

Quận 9, TP.HCM

Hiện tại tôi đang bị Viêm gan, sức khỏe bị giảm sút nhiều, nếu kiên trì chữa bệnh thì tôi có thể khỏi bệnh hoàn toàn không? Tôi đang lo lắng bệnh sẽ phát triển theo chiều hướng mãn tính, thậm chí làm ung thư gan. Mong bác sĩ cho lời khuyên.

Trả lời

BS Lê Mạnh Hùng

Viêm gan là tình trạng gan bị bệnh do các tế bào gan bị tổn thương, bị hủy hoại. Có nhiều nguyên nhân gây viêm gan, thường gặp nhất là viêm gan do siêu vi, các nguyên nhân khác là do uống nhiều bia rượu, do dùng thuốc, do vi khuẩn, do nhiễm độc, do ứ mật, do rối loạn chuyển hóa…

Khả năng chữa trị khỏi hẳn một bệnh viêm gan tùy thuộc rất nhiều vào nguyên nhân gây bệnh và liệu pháp điều trị áp dụng cho người bệnh. Ví dụ, những người khi bị bệnh viêm gan siêu vi B cấp thì khả năng trị khỏi bệnh là hơn 95% trường hợp, nếu bị bệnh viêm gan siêu vi B mạn (bệnh đã kéo dài trên 6 tháng) thì thời gian điều trị thường trên 12 tháng, có những trường hợp phải điều trị liên tục, suốt đời; những người mới bị viêm gan do rượu nếu ngưng uống và điều trị tích cực có thể phục hồi hoàn toàn còn nếu đã để bệnh diễn tiến đến xơ gan nặng thì mọi biện pháp chữa trị đều kém hiệu quả.
Khi bạn bị viêm gan, nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng thì khả năng bệnh diễn tiến sang mãn tính, thậm chí xấu hơn là xơ gan, ung thư gan… Vì thế, điều quan trọng mà bạn cần thực hiện không phải là “ kiên trì chữa bệnh” mà phải là đến một bệnh viện có chuyên khoa viêm gan để được khám, tư vấn và điều trị thích hợp.

 

29/11/2018

THU HÀ

Thủ Đức, TP.HCM

Tôi 36 tuổi, vừa qua đi xét nghiệm bị phát hiện nhiễm siêu vi gan C. Tôi có cần điều trị không ? Nếu điều trị có tốn kém nhiều không? Thời gian bao lâu và có hết bệnh không? Bảo hiểm y tế có chi trả không? Xin bác sĩ giải đáp giúp. Cám ơn

 

Trả lời

TS.BS. Lê Mạnh Hùng

Người bị nhiễm siêu vi viêm gan C cần được điều trị với thuốc kháng vi rút. Tuy nhiên, do khoảng 15-45% người nhiễm siêu vi C có thể tự khỏi, vì thế, khi xét nghiệm có kết quả bị nhiễm siêu vi C (Anti-HCV dương tính), cần phải làm thêm xét nghiệm định lượng siêu vi (HCV RNA), để xem người nhiễm đã tự khỏi hay vẫn còn siêu vi C trong người. Nếu còn siêu vi thì nên điều trị.  Hiện nay, điều trị bệnh viêm gan C với các loại thuốc kháng siêu vi dạng uống, ít tác dụng phụ, thường kéo dài 12 tuần. Tổng chi phí xét nghiệm và điều trị có thể từ 25-45 triệu, tùy phác đồ điều trị và sau này có thể giảm thêm. Hiệu quả khỏi bệnh > 90% trường hợp. Bảo hiểm y tế hiện tại chỉ hỗ trợ chi trả xét nghiệm, năm 2019 sẽ hỗ trợ tiền thuốc điều trị (50% mức hưởng của thẻ). Bạn nên đế bệnh viện chuyên khoa uy tín để được làm các xét nghiệm và điều trị thích hợp.

—————————————————————-

From: TUYET TRUONG
Sent: Tuesday, April 02, 2019 10:08 AM
To:bv.bnhietdoi
Subject: hỏi

e bị viêm gan B đang điều trị bằng thuốc stemvir và thuốc lamivudine 100mg. mà e mới phát hiện mình mang thai. bác sĩ điều trị cho e bảo khi nào phát hiện mang thai thị bỏ loại lavudine ra chỉ uong stemvir thôi. không biết như vậy có ảnh hưởng đến thai nhi không ah.

Trả lời

TS.BS. Lê Mạnh Hùng

Chào cô TUYET TRUONG

Lamivudin  và Tenofovir  (Stemvir)  là các thuốc  kháng siêu vi viêm gan B được phép sử dụng riêng lẽ trên phụ nữ có thai. Thậm chí, khi thai phụ bị viêm gan siêu vi B đang dùng thuốc khác điều trị thì phải ngưng và chuyển qua dùng Tenofovir. Tuy nhiên,  đối với phác đồ phối hợp Tenofovir + Lamivudine, cho đến nay vẫn chưa được khuyến cáo dùng cho bệnh nhân viêm gan siêu vi B mang thai vì chưa rõ ảnh hưởng của thuốc khi phối hợp trên thai nhi .

Thực tế, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thỉnh thoảng gặp những trường hợp như cô và cách giải quyết là ngưng Lamivudine, tiếp tục trị với Tenoforvir, theo dõi sát tình trạng thai và bé khi chào đời. Những trường hợp này, chúng tôi chưa ghi nhận được bất cứ bất thường nào nghi do thuốc trên trẻ sinh ra.