Từ ngày 05/4 đến 26 /5/2022, đã có 650 trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em tại 33 quốc gia được báo cáo cho TỔ CHỨC Y TẾ THẾ GIỚI (WHO). Tác nhân gây bệnh viêm gan cấp nặng ở trẻ em đến nay vẫn chưa được biết và đang được điều tra. WHO đánh giá nguy cơ của bệnh viêm gan cấp này ở cấp độ toàn cầu là vừa phải.
Sau khi WHO công bố về bệnh viêm gan cấp không rõ nguyên nhân ở trẻ em (ngày 23/4/ 2022), tiếp tục có các báo cáo về các trường hợp bệnh mới. Tính đến ngày 26/5/2022, 650 trường hợp bệnh xảy ra phù hợp với định nghĩa của WHO đã được báo cáo; 99 trường hợp bổ sung đang chờ phân loại. Phần lớn các trường hợp được báo cáo: 374 (58%) trường hợp tại khu vực Châu Âu (22 quốc gia); 222 (34%) trường hợp từ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Các trường hợp nghi ngờ và đang chờ phân loại cũng đã được báo cáo từ Khu vực Châu Mỹ (n = 240, bao gồm 216 trường hợp ở Hoa Kỳ); Khu vực Tây Thái Bình Dương (n = 34), Khu vực Đông Nam Á (n = 14) và Khu vực Đông Địa Trung Hải (n = 5)
Hình 1. Phân bố các trường hợp có khả năng mắc viêm gan nặng cấp không rõ nguyên nhân ở trẻ em theo quốc gia, tính đến ngày 26 tháng 5 năm 2022(n=650).
Bảng 2. Phân loại các trường hợp có thể xảy ra được báo cáo cho mỗi quốc gia
( từ 01 tháng 10 năm 2021 đến ngày 26 tháng 5 năm 2022)
Trong số 650 trường hợp ca nghi ngờ bệnh, ít nhất có 38 (6%) trẻ phải ghép gan và 09 (1%) trường hợp tử vong đã được báo cáo cho WHO.
Định nghĩa ca bệnh theo WHO:
Ca bệnh xác định: hiện chưa có
Ca bệnh nghi ngờ: Một người bị viêm gan cấp (không do siêu vi viêm gan từ A đến E*) với AST hoặc ALT > 500 IU/, ≤ 16 tuổi, từ ngày 01/10/2021.
Ca có yếu tố dịch tễ: Một người mắc bệnh viêm gan cấp tính (không do viêm gan siêu vi từ A đến E *) ở mọi lứa tuổi là người tiếp xúc gần với ca nghi ngờ từ ngày 01 tháng 10 năm 2021.
* Nếu kết quả xét nghiệm huyết thanh siêu vi viêm gan A-E chưa có kết quả nhưng các tiêu chí khác đã đáp ứng, những ca này có thể được báo cáo và sẽ được xem là “đang chờ phân loại”.
** Không cần xét nghiệm Delta, vì nó chỉ được thực hiện ở những người có HBsAg dương tính để xác định sự hiện diện của đồng nhiễm).
Theo báo cáo Giám sát chung mới nhất của Văn phòng Khu vực Châu Âu (EURO) thuộc WHO và Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Châu Âu (ECDC) ngày 20 tháng 5 năm 2022: các ca bệnh từ các nước EU/EEA đã được báo cáo thông qua Hệ thống Giám sát Châu Âu:
- 75.4% trường hợp <5 tuổi.
- Trong số 156 trường hợp nhập viện có 22 trường hợp (14.1%) được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt; 14/117 trường hợp có viêm gan cấp (12%) đã được ghép gan.
- 181 trường hợp được xét nghiệm tìm adenovirus với bất kỳ loại bệnh phẩm, trong đó 110 trường hợp (60,8%) cho kết quả dương tính. Tỷ lệ dương tính cao nhất trong các mẫu máu toàn phần (69.5%).
- Trong số 188 trường hợp được xét nghiệm PCR tìm SARS-CoV-2 có 23 trường hợp (12.2%) cho kết quả dương tính. Chỉ 26 trường hợp có làm huyết thanh học SARS-CoV-2, trong đó 19 trường hợp (73,1%) có kết quả dương tính.
- Trong số 63 trường hợp có dữ liệu về tiêm chủng COVID-19, 53 trường hợp (84.1%) chưa được tiêm chủng.
Hầu hết các trường hợp được báo cáo dường như không có liên quan và các cuộc điều tra dịch tễ học rộng rãi đang được tiến hành để xác định sự phơi nhiễm, các yếu tố nguy cơ hoặc mối liên hệ giữa các trường hợp. Hai cặp bênh nhân đã được báo cáo là có liên quan đến dịch tễ học ở Scotland, và các trường hợp có liên quan cũng đã được báo cáo ở Hà Lan.
Dựa trên định nghĩa ca bệnh nghi ngờ, xét nghiệm trong phòng Lab đã loại trừ siêu vi viêm gan A-E trên những trẻ này. SARS-CoV-2 và/hoặc adenovirus đã được phát hiện trong một số trường hợp, mặc dù dữ liệu báo cáo cho WHO chưa đầy đủ. Vương quốc Anh, gần đây đã quan sát thấy sự gia tăng hoạt động của adenovirus đồng thời lưu hành cùng với SARS-CoV-2, dù vai trò của những siêu vi này trong cơ chế bệnh sinh vẫn chưa rõ.
Đánh giá của WHO
WHO đánh giá rủi ro ở cấp độ toàn cầu là vừa phải do:
- Căn nguyên của bệnh vẫn chưa được biết và đang điều tra; các trường hợp có biểu hiện lâm sàng nặng hơn và tỷ lệ tiến triển thành suy gan cấp cao hơn so với các báo cáo trước đây về viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em;
- Thông tin dịch tễ học, xét nghiệm, mô bệnh học và lâm sàng cho WHO vẫn còn giới hạn;
- Số trường hợp thực tế có thể bị thấp hơn ở một số cơ sở, một phần do năng lực giám sát tại chỗ còn hạn chế;
- Nguồn lây và phương thức lây truyền của tác nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định, do đó không thể đánh giá đầy đủ khả năng lây lan thêm;
- Mặc dù không có báo cáo nào về các bệnh nhiễm trùng liên quan đến chăm sóc sức khỏe, nhưng không thể loại trừ việc lây truyền từ người sang người vì đã có một vài báo cáo về các trường hợp liên quan đến dịch tễ học.
Adenovirus đã được tìm thấy trong 75% trường hợp được thử nghiệm ở Vương quốc Anh, nhưng dữ liệu của các quốc gia khác không đầy đủ. Trong số lượng nhỏ các mẫu đã được ghi nhận cho đến nay, phần lớn đã được xác nhận có adenovirus type 41 (ở Vương quốc Anh, 27 trong số 35 ca có kết quả dương tính). Adenovirus associated virus 2 (AAV-2) cũng đã được phát hiện trong một số ít trường hợp ở Vương quốc Anh bằng cách sử dụng meta-genomics trong các mẫu máu và gan. Tuy nhiên, nhiều trường hợp còn lại không được lấy mẫu thích hợp (làm nổi bật tầm quan trọng của việc lấy mẫu) (máu toàn phần) để xác định thêm đặc điểm của loại (type) adenovirus được phát hiện. Ngoài ra, nhiễm adenovirus type 41 trước đây không ghi nhận biểu hiện lâm sàng như vậy ở trẻ khỏe mạnh.
Trong khi adenovirus là một giả thuyết của cơ chế bệnh sinh, các nghiên cứu sâu hơn vẫn đang được tiến hành đối với tác nhân gây bệnh; Nhiễm adenovirus (thường gây nhiễm trùng đường tiêu hóa hoặc hô hấp nhẹ tự giới hạn ở trẻ nhỏ) không giải thích đầy đủ về bệnh cảnh lâm sàng nghiêm trọng như vậy với những trường hợp này. Từ những yếu tố như tăng tính nhạy cảm ở trẻ nhỏ do mức độ lưu hành của adenovirus thấp hơn trong đại dịch COVID-19, khả năng trỗi dậy của adenovirus mới, đồng nhiễm SARS-CoV-2 hoặc biến chứng của lần nhiễm SARS-CoV-2 trước đó dẫn đến kích hoạt tế bào miễn dịch qua trung gian siêu kháng nguyên, đã được đề xuất nghiên cứu sâu hơn về cơ chế của hội chứng viêm đa cơ quan ở trẻ em. Các giả thuyết liên quan đến tác dụng phụ của vắc-xin COVID-19 hiện không được ủng hộ vì hầu hết trẻ em bị ảnh hưởng không được tiêm vắc-xin này. Các nguyên nhân lây
nhiễm và không lây nhiễm khác như là yếu tố độc lập hoặc yếu tố góp phần cần phải được loại trừ để đánh giá toàn diện và quản lý nguy cơ. Điều quan trọng cần lưu ý là mối liên quan với adenovirus được xác định rõ ràng có thể là một phát hiện ngẫu nhiên do xét nghiệm được tăng cường liên quan đến việc gia tăng mức độ lây truyền adenovirus trong cộng đồng.
Việc không rõ căn nguyên đặt ra những thách thức cho một số quốc gia, bao gồm: việc thực hiện định nghĩa ca bệnh của WHO và chẩn đoán loại trừ; năng lực xét nghiệm còn hạn chế. Sự hiện diện của các trường hợp viêm gan cấp tính ở trẻ em không thể loại trừ ở những quốc gia chưa phát hiện hoặc chưa báo cáo các trường hợp mắc bệnh.
Khuyến cáo của WHO
– Khuyến khích xác định, điều tra và báo cáo các ca bệnh nghi ngờ phù hợp với định nghĩa ở trên. Các thông tin chủ yếu về dịch tễ học và yếu tố nguy cơ có thể được thu thập và gửi cho WHO.
– Các mẫu bệnh phẩm: máu toàn phần, huyết thanh, nước tiểu, phân, bệnh phẩm đường hô hấp và sinh thiết gan (nếu có) nên được thực hiện cho tất cả các ca đáp ứng với định nghĩa. Nếu các cơ sở có năng lực xét nghiệm hạn chế, nên thu thập, chuyển mẫu và/hoặc lưu trữ mẫu để xét nghiệm trong tương lai, để tiến hành điều tra nguyên nhân đầy đủ.
– Cần thu thập thêm thông tin đánh giá vai trò tiềm ẩn của các bệnh nhiễm trùng, bao gồm cả adenovirus đang lưu hành, nhiễm SARS-CoV-2 hiện tại và trong quá khứ, cũng như điều tra các yếu tố giải thích hoặc góp phần khác (các bệnh nhiễm trùng khác, chất độc, thuốc, hoặc bệnh tiềm ẩn khác).
– Ở trẻ em bị viêm gan cấp, mối quan tâm chính là xác định sớm các ca bệnh để đảm bảo quản lý tối ưu và xác định nguyên nhân vì các biện pháp và khả năng quản lý, kiểm soát sẽ phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh cụ thể.
Nguồn: WHO – BS CKII. Đào Bách Khoa-BVBNĐ (lược dịch)