BỆNH VIỆN BỆNH NHIỆT ĐỚI

THÂN THIỆN - AN TOÀN - HIỆU QUẢ

VÌ SAO THU HỒI ROSUVASTATIN 40MG Ở VIỆT NAM?

Ngày 19/04/2022, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 186/QĐ-QLD Về việc thu hồi Giấy đăng ký lưu hành thuốc, thu hồi thuốc lưu hành trên thị trường đối với các thuốc có chứa hoạt chất Rosuvastatin 40mg với lí do: Thuốc chứa hoạt chất rosuvastatin 40 mg đã có chống chỉ định cho người Châu Á1. Vậy, tại sao Rosuvastatin 40mg lại chống chỉ định cho người châu Á và ngưỡng liều an toàn cho nhóm bệnh nhân châu Á là bao nhiêu?

Ngày 01/04/2005, FDA đưa ra thông báo yêu cầu công ty Astra-Zeneca Pharmaceuticals thay đổi thông tin về “Cảnh báo”, “Liều lượng và Cách dùng” đối với thuốc giảm mỡ máu rosuvastatin (tên thương mại Crestor). Nguyên nhân của sự điều chỉnh này xuất phát từ kết quả của một nghiên cứu dược động học trên rosuvastatin2,3. Theo nghiên cứu này, trên nhóm đối tượng bệnh nhân người gốc Á (Nhật Bản) ghi nhận nồng độ rosuvastatin tăng xấp xỉ 2 lần so với nhóm chứng là người Da trắng (Anh, Mỹ)4–6. Điều này làm gia tăng nguy cơ độc tính trên cơ vân (ví dụ: bệnh lý cơ, tiêu cơ vân), đặc biệt ở liều cao nhất được phê duyệt là 40mg2,3.

Một nghiên cứu dược động học được tiến hành ở Singapore năm 2005, trên các nhóm chủng tộc: Da trắng, Hoa, Malay và Ấn độ; mỗi bệnh nhân được uống 1 liều duy nhất rosuvastain 40 mg. Kết quả ghi nhận: Tỉ lệ AUC0-t ở nhóm chủng tộc Hoa, Malay, Ấn Độ lần lượt là 2.31, 1.91, 1.63; tỉ lệ Cmax lần lượt là 2.36, 2.0, 1.68 khi so sánh với nhóm Da trắng5. Năm 2014, một nghiên khác được thực hiện ở nhóm dân gốc Á (trong đó có Việt Nam) với nhóm dân Da trắng cư ngụ tại California, Mỹ; mỗi bệnh nhân được cho uống 1 liều duy nhất rosuvastatin 20mg. Kết quả: Ở nhóm gốc Đông Á, AUC0-t cao hơn từ 64-84%, Cmax cao hơn từ 70-98% so với nhóm Da trắng. Người gốc Ấn được cho là trung gian giữa 2 nhóm chủng tộc này khi ghi nhận tỉ lệ theo thứ tự là 26% và 29%4.

Các lý giải cho đến hiện tại đều liên quan đến sự đa hình về kiểu gen (polymorphisms). Mức gia tăng nồng độ rosuvastatin liên quan đến nhóm người mang alen SLCO1B1 ABCG2 so với nhóm không mang 2 alen này. SLCO1B1 mã hóa cho kênh vận chuyển OATP1B1 – nhiệm vụ chính trong việc hấp thu rosuvastatin vào tế bào gan; ABCG2 mã hóa cho bơm Bc.P – nhiệm vụ chính trong bài tiết rosuvastatin vào mật. Sự đa hình về kiểu gen (dạng đồng hợp lặn) dẫn đến sự giảm chức năng của các kênh vận chuyển và do đó làm thay đổi dược động – dược lực của rosuvastatin4–7.

Từ những bằng chứng lâm sàng thu được, FDA yêu cầu phần “Cảnh báo”, “Liều lượng và Cách dùng” trên nhãn của rosuvastatin phải ghi rõ rằng: Liều 5 mg rosuvastatin nên được coi là liều khởi đầu cho bệnh nhân gốc Á và bất kỳ sự gia tăng liều nào cũng phải tính đến việc tăng nguy cơ độc tính trên nhóm bệnh nhân này. Cần nhấn mạnh rằng, liều 40 mg không phải là liều khởi đầu thích hợp và chỉ nên dành cho những bệnh nhân chưa đạt được mục tiêu về cholesterol với liều 20 mg2,3.

Tài liệu tham khảo:

  1. Cục Quản lý Dược BYT. Quyết định Về việc thu hồi Giấy đăng ký giấy lưu hành thuốc, thu hồi thuốc lưu hành trên thị trường. Số 186/ QĐ(2022).
  2. US Food and Drug Administration. CRESTOR (rosuvastatin calcium) tablets. accessdata.fda.gov. 2010;24(11):591.
  3. US Food and Drug Administration. FDA public health advisory for Crestor (rosuvastatin). accessdata.fda.gov. 2005;100(Vldl):1-20.
  4. Birmingham BK, Bujac SR, Elsby R, et al. Rosuvastatin pharmacokinetics and pharmacogenetics in Caucasian and Asian subjects residing in the United States. Eur J Clin Pharmacol. 2015;71(3):329-340. doi:10.1007/s00228-014-1800-0
  5. Lee E, Ryan S, Birmingham B, et al. Rosuvastatin pharmacokinetics and pharmacogenetics in white and Asian subjects residing in the same environment. Clin Pharmacol Ther. 2005;78(4):330-341. doi:10.1016/j.clpt.2005.06.013
  6. Wu H fang, Hristeva N, Chang J, et al. Rosuvastatin pharmacokinetics in Asian and White subjects wild-type for both OATP1B1 and BCRP under control and inhibited conditions. J Pharm Sci. 2017;106(March 2016):2751-2757. doi:10.1016/j.xphs.2017.03.027.Rosuvastatin
  7. Liao JK. Safety and Efficacy of Statins in Asians. Am J Cardiol. 2007;99(3):410-414. doi:10.1016/j.amjcard.2006.08.051

Đặng Hửu Lể – Khoa Dược Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới