BỆNH VIỆN BỆNH NHIỆT ĐỚI

THÂN THIỆN - AN TOÀN - HIỆU QUẢ

TUẦN LỄ NHẬN THỨC KHÁNG SINH TOÀN CẦU “CÙNG CHUNG TAY NGĂN CHẶN ĐỀ KHÁNG KHÁNG SINH”

1. Tác hại của đề kháng kháng sinh:

Thuốc kháng sinh có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa, kiểm soát và điều trị nhiễm trùng ở người, động vật và thực vật. Đề kháng kháng sinh xảy ra khi thuốc kháng sinh trở nên giảm hoặc thậm chí mất hiệu quả trên các vi sinh vật gây bệnh. Do đó, đề kháng kháng sinh là mối đe dọa nặng nề không chỉ với con người mà còn cả toàn hệ sinh thái. Theo thống kê của Tổ chức y tế Thế giới (WHO), có tới gần 1,3 triệu người chết trên toàn cầu do nhiễm vi khuẩn kháng thuốc vào năm 2019. Về khía cạnh kinh tế, đề kháng kháng sinh được dự đoán sẽ làm giảm tới 3,8% tổng thu nhập GDP hằng năm trước năm 2050 và đẩy 24 triệu người vào viễn cảnh nghèo đói trong một thập kỉ tới.

2. Hiện trạng của đề kháng kháng sinh hiện nay:

Tình trạng đề kháng kháng sinh đang gia tăng tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Việt Nam được coi là điểm nóng của các bệnh nhiễm trùng mới nổi và cả gánh nặng đề kháng kháng sinh. Từ năm 1999 đến 2007, tỷ lệ vi khuẩn phế cầu giảm nhạy cảm với kháng sinh penicillin tăng từ 8 đến 75%. Việc lạm dụng thuốc kháng sinh tại các tuyến y tế và nhà thuốc cộng đồng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng đáng lo ngại này. Một nghiên cứu thực hiện vào năm 2019 tại 112 trung tâm y tế tại tỉnh Nam Định trên khoảng 193.000 bệnh nhân ngoại trú thăm khám vì dấu hiệu nhiễm trùng hô hấp cấp. Kết quả cho thấy có tới 97% bệnh nhân được kê đơn thuốc kháng sinh, mặc dù vi rút mới là tác nhân gây bệnh chính.

 

3. Những hành động cụ thể đề ngăn chặn đề kháng kháng sinh trong bệnh viện:

Đề kháng kháng sinh là một trong những vấn đề lớn nhất mà thế giới phải đối mặt. Mỗi người đều có trách nhiệm nâng cao nhận thức và hành động cụ thể để chống lại đề kháng kháng sinh.

  • Đối với bệnh nhân: Khi có triệu chứng bệnh nên đến bác sĩ thăm khám và tuân thủ theo chỉ định điều trị, không nên tự ý uống hay chia sẻ thuốc cho người khác. Cần ý thức “phòng bệnh hơn chữa bệnh” qua việc tiêm ngừa, giữ gìn vệ sinh cá nhân và nâng cao môi trường sống,…
  • Nhân viên y tế nắm giữ vai trò chính trong việc duy trì hiệu lực của các kháng sinh bằng việc kê toa kháng sinh hợp lý, hướng dẫn và giáo dục về việc sử dụng kháng sinh cho bệnh nhân. Mỗi bệnh viện cần thực hiện chương trình Quản Lý Sử Dụng Kháng Sinh để kiểm soát việc sử dụng kháng sinh đúng cách và hợp lý.
  • Đối với bác sĩ: lựa chọn kháng sinh theo các phác đồ và hướng dẫn điều trị; lưu ý phổ tác dụng, dược động học, dược lực học (PK/PD) của thuốc; và nhấn mạnh với bệnh nhân về việc tuân thủ điều trị.
  • Đối với dược sĩ: Tư vấn cho bác sĩ và người bệnh về liều dùng khi điều trị với kháng sinh, tác dụng không mong muốn, độc tính và các lưu ý về tương tác thuốc. Tuân thủ việc bán thuốc theo đơn, đặc biệt là kháng sinh phải có đơn của bác sĩ.

4. Sự hợp tác của các ban ngành trong việc ngăn chặn đề kháng kháng sinh:

  • Đẩy mạnh công tác phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng tại các cơ sở y tế, nông trại và cơ sở sản xuất thực phẩm;
  • Đảm bảo tiếp cận với nước sạch, vệ sinh môi trường và vắc xin;
  • Thực hiện các thực hành tốt nhất trong sản xuất lương thực và nông nghiệp;
  • Giảm thiểu ô nhiễm và đảm bảo quản lý chất thải và vệ sinh thích hợp.

 

 

 

 

Hà Thị Cẩm Tú, DS. Tô Ngọc Trân – Khoa Dược