BỆNH VIỆN BỆNH NHIỆT ĐỚI

THÂN THIỆN - AN TOÀN - HIỆU QUẢ

TP.HCM cảnh giác với sốt xuất huyết Dengue đang vào mùa

Trong những tuần vừa qua, TP.HCM và các tỉnh Nam bộ mưa kéo dài, ghi nhận khuynh hướng gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết nặng. Các chuyên gia cảnh báo, bắt đầu từ tháng 8 sẽ là cao điểm sốt xuất huyết, do đó, nếu không có sự phòng dịch tốt sẽ dẫn đến nhiều ca nặng và tử vong.

Đề phòng bệnh sốt xuất huyết trở nặng

Tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, trong tuần qua đã tiếp nhận 2 trường hợp sốt xuất huyết rất nặng. Đó là một bệnh nhân bị sốc và tái sốc nhiều lần và một trường hợp bị suy chức gan nặng.

Riêng trường hợp bị suy gan nặng, bệnh nhân đã được điều trị tích cực và tính đến phương án lọc máu nhưng diễn tiến bệnh chưa khá lên nhiều.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

BS.CK2 Trương Ngọc Trung – Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết, tổn thương gan là một biểu hiện nặng của bệnh sốt xuất huyết Dengue. Do sốt xuất huyết Dengue có khả năng tấn công trực tiếp lên gan hoặc thông qua các cơ chế miễn dịch. Bên cạnh đó, những yếu tố khác có thể khiến cho tình trạng nặng hơn như người bệnh bị bệnh gan mãn tính hoặc uống thuốc không phù hợp trong giai đoạn đầu của bệnh sốt xuất huyết.

Cũng theo bác sĩ Trung, mặc dù tỉ lệ chuyển biến nặng của bệnh sốt xuất huyết Dendue không cao và tỉ lệ bệnh nhân mắc sốt xuất huyết bị suy gan cũng không cao, nhưng đáng lưu ý là việc tiên lượng được diễn tiến bệnh này không dễ.

Do đó, bác sĩ Trung khuyến cáo, khi chẩn đoán hoặc nghi ngờ bệnh nhân bị sốt xuất huyết thì bệnh nhân phải được theo dõi kỹ và tái khám. Bệnh nhân có sốt cao liên tục trên 2 ngày, đặc biệt là trong cao điểm dịch sốt xuất huyết, nên đến cơ sở y tế sớm.

“Cần đặc biệt lưu ý là bệnh sốt xuất huyết Dengue thường nặng là trong giai đoạn nguy hiểm nhưng giai đoạn nguy hiểm thường là bệnh nhân đã giảm sốt hoặc là không sốt nữa”.

Trách nhiệm địa phương phòng dịch sốt xuất huyết

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết, trong tuần 29 vừa qua, TP.HCM đã ghi nhận 256 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 12,2% so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm Quận 1, huyện Bình Chánh và Quận 8.

Theo Sở Y tế TP.HCM, quy luật diễn tiến dịch bệnh hằng năm tại TP.HCM, mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết đã bắt đầu tăng và sẽ tăng cao trong tháng 8, dự kiến kéo dài đến hết tháng 10 hằng năm.

Trong khi đó, trước đó, qua giám sát, tỉ lệ phát hiện có lăng quăng tại các điểm nguy cơ gần 48% (49/103 điểm). Đây là con số đáng báo động. Tỉ lệ này sẽ cao hơn nữa khi TP.HCM mưa nhiều hơn và không có những biện pháp quyết liệt để kiểm soát các điểm nguy cơ sốt xuất huyết.

Nguồn: Báo Sức khỏe & Đời sống