Cúm mùa là một bệnh đường hô hấp phổ biến và dễ lây lan. Năm 2024, Việt Nam ghi nhận gần 290000 ca cúm mùa và 8 ca tử vong, tuy số ca nhiễm giảm 17,9% so với năm 2023 (353.108 ca) nhưng số ca tử vong lại tăng thêm 5 trường hợp [1]. Vi rút cúm ở người gồm ba chủng A, B và C. Trong đó, cúm A có thể lây nhiễm cho nhiều loài, còn cúm B và C chủ yếu chỉ ảnh hưởng đến con người. Các chủng gây cúm mùa phổ biến gồm A(H1N1)pdm09, A(H3N2), B/Yamagata và B/Victoria. Trong các ca nhiễm cúm mùa, khoảng 75% do vi rút cúm A và 25% do vi rút cúm B [2]. Hiện tại, tiêm vắc xin vẫn là biện pháp an toàn và hiệu quả được khuyến cáo trên toàn thế giới để phòng ngừa bệnh cúm.
Hàng năm, WHO đưa ra khuyến cáo về thành phần vắc xin cúm mùa dựa trên dữ liệu giám sát toàn cầu về tỷ lệ lưu hành của các chủng vi rút cúm. Vào tháng 2 và tháng 9 mỗi năm, WHO tổ chức các cuộc tham vấn kỹ thuật để xác định các chủng vi rút phù hợp cho vắc xin sử dụng tại Bắc Bán Cầu và Nam Bán Cầu. Khuyến nghị này giúp đảm bảo vắc xin có hiệu quả phòng ngừa tối ưu trước các chủng cúm có nguy cơ gây dịch cao nhất trong mùa cúm tiếp theo. Các cơ quan y tế quốc gia và khu vực sẽ quyết định thành phần vắc xin phù hợp với từng quốc gia dựa trên hướng dẫn của WHO [3]. Theo khuyến cáo của WHO cho mùa cúm 2024-2025 ở Bắc Bán Cầu, vắc xin cúm được chia thành hai loại chính: vắc xin tam giá và vắc xin tứ giá. Vắc xin tam giá bao gồm ba chủng vi rút cúm, gồm hai chủng cúm A (A(H1N1)pdm09 và A(H3N2)) cùng một chủng cúm B thuộc dòng B/Victoria. Trong khi đó, vắc xin tứ giá bổ sung thêm một chủng cúm B thuộc dòng B/Yamagata, tuy nhiên WHO đã khuyến nghị loại bỏ thành phần này do không phát hiện thấy sự xuất hiện tự nhiên của chủng B/Yamagata từ năm 2020 [3]. Thành phần cụ thể của vắc xin có thể thay đổi tùy theo phương pháp sản xuất, với các lựa chọn nuôi cấy trên trứng gà hoặc trên tế bào.
Hiện tại thị trường dược phẩm Việt Nam đang lưu hành 3 chế phẩm vắc xin cúm mùa bao gồm IVACFLU-S của Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế, INFLUVAC TETRA của công ty Abbott và VAXIGRIP TETRA của công ty Sanofi. Bài viết này nhằm mục đích so sánh một cách khách quan 3 vắc xin này để mang tới cái nhìn trực quan cho người đọc.
Tiêu chí | IVACFLU-S | VAXIGRIP TETRA | INFLUVAC TETRA |
Quốc gia sản xuất | Việt Nam | Pháp | Hà Lan |
Thành phần chủng virus | A/Victoria/4897/2022 (H1N1)pdm09, A/Thailand/8/2022 (H3N2), B/Austria/1359417/2021 (B/Victoria lineage) | A/Victoria/4897/2022 (H1N1)pdm09, A/Thailand/8/2022 (H3N2), B/Austria/1359417/2021 (B/Victoria lineage)
B/Phuket/3073/2013 (B/Yamagata lineage) |
|
Hàm lượng kháng nguyên (HA) | 15 µg mỗi chủng | ||
Dạng bào chế | Hỗn dịch tiêm bắp | ||
Công nghệ sản xuất | Virus nuôi cấy trên trứng gà | ||
Bảo quản | 2°C – 8°C, không đông lạnh | ||
Đối tượng sử dụng | Trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn | ||
Chứa chủng Yamagata | Không có | Có | |
Tác dụng phụ phổ biến | Đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ, đau cơ |
Nhìn chung, cả ba loại vắc xin đều có tác dụng phòng ngừa cúm mùa bằng cách kích thích hệ miễn dịch tạo kháng thể chống lại các chủng vi rút cúm phổ biến. Tuy nhiên, IVACFLU-S chỉ chứa ba chủng vi rút cúm, gồm hai chủng cúm A (A(H1N1)pdm09, A(H3N2)) và một chủng cúm B thuộc dòng B/Victoria, trong khi VAXIGRIP TETRA và INFLUVAC TETRA bổ sung thêm chủng cúm B/Yamagata. Mặc dù vắc xin tứ giá từng được xem là lựa chọn tối ưu, nhưng theo khuyến cáo của WHO năm 2024, vi rút B/Yamagata không còn được phát hiện trong giám sát toàn cầu từ năm 2020, do đó việc bổ sung thành phần này trong vắc xin có thể không còn cần thiết [3]. Điều này khiến vắc xin tam giá như IVACFLU-S trở thành lựa chọn phù hợp hơn trong bối cảnh dịch tễ hiện tại. Về xu hướng sử dụng, WHO đã khuyến nghị loại bỏ thành phần B/Yamagata khỏi vắc xin cúm, đồng thời các quốc gia như Mỹ và EU đã lên kế hoạch chuyển đổi từ vắc xin tứ giá sang tam giá từ mùa cúm 2024-2025 (Mỹ) và 2025-2026 (Châu Âu) [2]. Một lợi thế đáng kể của IVACFLU-S là giá thành thấp hơn do sản xuất trong nước, giúp giảm chi phí nhập khẩu và mở rộng phạm vi tiếp cận đến nhiều đối tượng với khả năng chi trả khác nhau. Bên cạnh đó, việc sản xuất trong nước giúp đảm bảo nguồn cung ứng thuốc, sẵn sàng ứng phó trong trường hợp đại dịch xảy ra.
Mặc dù vậy, quá trình chuyển đổi từ vắc xin tứ giá sang tam giá không diễn ra đồng loạt mà tùy thuộc vào chính sách y tế, tình hình dịch tễ, nguồn cung vắc xin và điều kiện kinh tế của từng quốc gia. Một số nước có thể tiếp tục sử dụng vắc xin tứ giá trong thời gian tới để đảm bảo nguồn cung ổn định và phù hợp với hệ thống y tế hiện có. Ngược lại, những quốc gia đã có sự chuẩn bị từ trước có thể nhanh chóng triển khai vắc xin tam giá mà không ảnh hưởng đến hiệu quả phòng bệnh [2]. Trong bối cảnh này, việc lựa chọn sử dụng vắc xin tam giá hay tứ giá không chỉ dựa trên yếu tố thành phần mà còn cần xem xét nhiều khía cạnh khác như chiến lược y tế công cộng, tính khả thi trong triển khai và khả năng thích ứng với các biến đổi dịch tễ trong tương lai. Do đó, người dân và các cơ sở y tế nên tham khảo hướng dẫn cập nhật từ WHO và Bộ Y tế để có quyết định phù hợp nhất với điều kiện thực tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hồ Chí Minh. TPHCM không hoang mang nhưng không chủ quan với bệnh cúm mùa. Truy cập tại: https://hcdc.vn/tphcm-khong-hoang-mang-nhung-khong-chu-quan-voi-benh-cum-mua-vKHV9o.html.
[2] Nguyễn Thị Lý, Nguyễn Kim Bách, & Đoàn Hữu Thiển. (2024). Chuyển Đổi Vắc Xin Cúm Mùa Tứ Giá Về Tam Giá Và Các Tác Động Trên Toàn Cầu. Journal Of Control Vaccines And Biologicals, 4(4).
[3] WHO Recommended composition of influenza virus vaccines for use in the 2024-2025 northern hemisphere influenza season