BỆNH VIỆN BỆNH NHIỆT ĐỚI

THÂN THIỆN - AN TOÀN - HIỆU QUẢ

Helicobacter pylori – Vi khuẩn không chỉ gây bệnh ở dạ dày

Helicobacter pylori  là vi khuẩn sống trong niêm mạc dạ dày, do hai bác sĩ người Úc là Robin Warren và Barry J. Marshall phát hiện năm 1982, từ mẫu sinh thiết dạ dày qua nội soi. Phát hiện này được trao tặng giải Nobel Y học và Sinh lý học năm 2005.

Nhiễm Helicobacter pylori là một trong những nhiễm khuẩn mạn tính gặp nhiều nhất ở người. Người ta ước tính có hơn nửa dân số trên thế giới đã bị nhiễm H. pylori, chủ yếu ở các nước đang phát triển với tần suất nhiễm rất cao từ 50-90% ở những người trên 20 tuổi và hầu hết trẻ em bị nhiễm ở độ tuổi từ 2-8. Việt Nam cũng thuộc vùng có tỷ lệ nhiễm Helicobacter pylori cao (vào khoảng 45% ở người lớn).

Sau khi điều trị thành công, tình trạng tái nhiễm Helicobacter pylori ở người lớn hiếm khi xảy ra nhưng sự lây nhiễm giữa vợ chồng có thể làm cho bệnh tái phát sau điều trị.

Hầu hết nhiễm Helicobacter pylori không có triệu chứng lâm sàng, trong số này chỉ có khoảng 1% dân số bị nhiễm sẽ tiến triển thành ung thư dạ dày, (90% những người bị ung thư dạ dày bị nhiễm Helicobacter pylori), khả năng gây bệnh còn tùy thuộc vào chủng loại vi khuẩn. Người bị loét tá tràng  nhiễm Helicobacter pylori nhiều hơn người bị loét dạ dày. Ngoài ra, nhiễm Helicobacter pylori còn liên quan đến một loại lymphôm tế bào B ở dạ dày, được gọi là u MALT (Mucosa Associated Lymphoid Tissue). Gần 75% các u MALT có thể được điều trị khỏi bằng kháng sinh diệt Helicobacter pylori nếu phát hiện sớm.

 Helicobacter pylori

                                      Ảnh chụp qua kính hiển vi điện tử Helicobacter pylori (màu đỏ) cùng với tế bào biểu mô dạ dày

Năm 1994, Tổ chức Quốc tế Nghiên cứu về Ung thư (IARC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp Helicobacter pylori là tác nhân quan trọng hàng đầu gây ung thư dạ dày. Điều trị tiệt trừ Helicobacter pylori được coi là một chiến lược dự phòng hóa học đầu tiên có khả năng làm giảm tỷ lệ mắc ung thư dạ dày.

Helicobacter pylori có 3 nguồn lây chính thức:

–  Nguồn lây từ động vật: một số loại gia súc, gia cầm như chó, gà, vịt, chim, cừu… và động vật trong tự nhiên có thể mang Helicobacter pylori và trở thành nguồn lây cho người.

– Nguồn lây từ môi trường: trong đó nước được coi là yếu tố quan trọng nhất.

– Nguồn lây từ người sang người: là nguồn lây rất phổ biến, nhất là trẻ em. Ví dụ như hôn hít, nhai mớm cơm cho trẻ, dùng đũa gắp thức ăn chung… Đường lây truyền dạ dày – dạ dày qua nội soi do thầy thuốc gây ra đã được nhìn nhận. Việc rửa sạch và tiệt khuẩn sạch dụng cụ nội soi loại trừ được nguy cơ lây truyền.

Dạ dày là nơi cư trú chính của Helicobacter pylori. Vi trùng này cũng đã được tìm thấy trong các tế bào khác của cơ thể như trong các hạch bạch huyết, điều này được giải thích là vi khuẩn đã được nuốt bởi các đại thực bào. H.pylori còn tìm thấy ở miệng (trong cao răng, trong nước bọt), tại thực quản, tá tràng, đại tràng, túi thừa Meckel, tại những nơi có dị sản dạ dày.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy ngoài việc gây bệnh đối với đường tiêu hóa trên Helicobacter pylori còn có thể gây nên nhiều bệnh lý tại các cơ quan khác nhau thuộc hệ tiêu hóa và ngoài hệ tiêu hóa.

–  Đối với hệ tiêu hóa: có một số nghiên cứu tìm thấy Helicobacter pylori trong bệnh lý viêm và chảy máu túi thừa Meckel, viêm loét đại trực tràng chảy máu, ung thư đại tràng và chứng tiêu chảy mạn tính ở trẻ em. Helicobacter pylori có trong các mẫu sinh thiết của ung thư biểu mô tế bào gan. Vi khuẩn cũng đã được tìm thấy với tỷ lệ từ 40-50% trong dịch mật của các bệnh nhân bị sỏi mật. Người bị ung thư tụy, tỷ lệ nhiễm Helicobacter pylori cũng cao hơn bình thường.

–  Bệnh lý hô hấp: các bệnh lý thuộc hệ thống hô hấp có sự liên quan với H. pylori đã được đề cập là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh giãn phế quản và ung thư phổi.

–  Bệnh lý tim mạch: Những người bị nhiễm Helicobacter pylori có tỷ lệ triglyceride, LDL  và apoprotein B cao hơn những người không bị nhiễm. Helicobacter pylori có thể còn liên quan tới tình trạng kháng insulin và xơ hóa mạch máu. Người ta thấy khi bị nhiễm Helicobacter pylori máu dễ bị đông hơn do tỷ lệ fibrinogen trong huyết tương tăng và CRP (C – Reactive Protein) cũng cao hơn bình thường.

–  Bệnh lý về máu: dường như có mối liên hệ giữa Helicobacter pylori và xuất huyết giảm tiểu cầu không rõ nguyên nhân. Điều trị Helicobacter pylori đã nâng được tiểu cầu trong máu người bệnh

Có một số bệnh nhân bị nhiễm Helicobacter pylori đã xuất hiện tình trạng thiếu sắt và sau khi tiệt trừ Helicobacter pylori  hàm lượng sắt trong máu đã được khôi phục.

Vẫn còn cần thêm nhiều dữ liệu để khẳng định và phủ định các giả thiết trên. Tuy nhiên đã có một số hiểu biết mới giúp thay đổi quan niệm trong thực hành lâm sàng của các thầy thuốc.

 

Khoa Chẩn đoán Hình ảnh

Nguồn: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới